Trong cuộc đua giành học bổng, thư giới thiệu xin học bổng (LOR) đóng vai trò như một “chiếc chìa khóa”, giúp bạn nổi bật giữa hàng ngàn hồ sơ của những ứng viên khác. Chính vì vậy, một bức thư giới LOR ấn tượng, thuyết phục, không chỉ cần phải nêu bật những thành tích nổi bật mà còn phải thể hiện rõ tiềm năng, phẩm chất của sinh viên. Vậy, viết thư giới thiệu xin học bổng như thế nào cho đúng? Theo dõi bài viết bên dưới của Tiimedu nhé!
Thư giới thiệu xin học bổng (LOR) là gì?
Thư giới thiệu (Letter of Recommendation) là một văn bản chính thức nhằm xác nhận thành tích học tập hoặc năng lực làm việc của ứng viên. Thường được viết bởi giáo viên, quản lý, giáo sư, cố vấn học tập, nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về phẩm chất, điểm mạnh, thành tích của học sinh, sinh viên. Từ đó giúp hội đồng tuyển sinh có cái nhìn sâu sắc hơn về ứng viên để trao học bổng.
Thư giới thiệu đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết trong hồ sơ xin học bổng, đặc biệt là các suất học bổng du học có giá trị cao. Do đó, trong thư người viết cần chứng minh được rằng học sinh, sinh viên của mình xứng đáng với học bổng, có khả năng tiếp tục đạt được thành tích tốt trong chương trình học.
Vì sao phải viết thư giới thiệu để xin học bổng?
Thư giới thiệu là yếu tố then chốt trong việc đánh giá hồ sơ xin học bổng của ứng viên. Bởi khi số lượng sinh viên đạt chuẩn dựa trên điểm số là quá lớn, hội đồng tuyển sinh sẽ dựa vào nội dung trong thư giới để hiểu rõ hơn về các khía cạnh khác của ứng viên. Bao gồm tính cách, giá trị cá nhân và mục tiêu học tập.
Hơn nữa, còn có nhiều lý do quan trọng khác cần phải viết thư giới LOR là:
- Thư được viết từ người có thẩm quyền giúp chứng minh, đánh giá khách quan phẩm chất, năng lực, thành tích, tiềm năng của ứng viên.
- Nội dung thư giúp xác nhận những gì ứng viên đã đề cập trong hồ sơ, giúp tổ chức tài trợ tin tưởng và đánh giá chính xác hơn.
- Một bức thư giới thiệu được viết bởi những người có uy tín, kinh nghiệm trong ngành sẽ có trọng lượng hơn, từ đó tạo ấn tượng mạnh mẽ với các tổ chức cấp học bổng.
- Thư cung cấp các thông tin chi tiết mà không có trong CV hay lời tự thuật, vì vậy giúp các tổ chức hiểu rõ hơn về kỹ năng, thành tích của ứng viên.
- Thư giới thiệu thể hiện sự ủng hộ, đề xuất ứng viên, tạo ra tác động tích cực đối với quyết định của tổ chức cấp học bổng.
Cách viết thư giới thiệu xin học bổng đúng chuẩn
Một bức thư giới thiệu được viết tốt có thể thuyết phục ủy ban xét duyệt về tiềm năng, khả năng thành công của bạn trong chương trình học bổng. Dưới đây là cách viết và bố cục của một thư giới thiệu ấn tượng:
Phần mở đầu thư
Để mở đầu thư giới thiệu, bạn cần cung cấp những thông tin cơ bản về người được giới thiệu. Trình bày mối quan hệ giữa bạn với họ, như thời gian quen biết, vai trò, trách nhiệm trong công việc hoặc các dự án đã làm chung. Bên cạnh đó, hãy chú ý nhấn mạnh vài điểm nổi bật để chứng minh sự xứng đáng với học bổng.
Dưới đây là một số mẹo viết phần mở đầu thư giới thiệu hấp dẫn:
- Giữ giọng văn trang trọng, tránh sự cứng nhắc.
- Giới hạn đoạn mở đầu chỉ tối đa trong 6 dòng để tránh dài dòng, lan man.
- Tránh việc mô tả chung chung bằng những từ ngữ như: thông minh, chăm chỉ,...
- Tránh những câu mở đầu quá sáo rỗng như “It is with great pleasure…” (Tôi rất hân hạnh giới thiệu…) hoặc “It is an honor to recommend…” (Tôi rất vinh dự được giới thiệu…).
Phần nội dung bức thư
Hãy thể hiện sự ủng hộ học sinh, sinh viên của mình bằng cách giải thích lý do vì sao họ xứng đáng nhận được học bổng. Phần thân bài nên được chia thành nhiều đoạn, mỗi đoạn nên tập trung vào một kỹ năng hoặc thành tựu cụ thể. Thư giới thiệu xin học bổng cũng cần nhất quán với hồ sơ du học, đồng thời đáp ứng các yêu cầu của học bổng, chương trình học.
Để viết phần thân bài thư giới thiệu LOR hay hơn có thể tham khảo một số bí quyết dưới đây:
- Thêm các số liệu, ví dụ minh họa để làm rõ kỹ năng, kinh nghiệm của học sinh, sinh viên.
- Đảm bảo các câu chuyện, sự kiện được nêu là chân thật, mang tính cá nhân. Điều này giúp tạo niềm tin cho giám khảo, giúp hồ sơ được đánh giá cao hơn.
- Các đoạn văn chuyển tiếp nên ngắn gọn, dễ hiểu, sắp xếp theo trình tự thời gian hợp lý.
Phần kết thư
Phần kết thư, nên tóm tắt lại một cách ngắn gọn những điểm mạnh, thành tích nổi bật của học sinh, sinh viên có liên quan đến học bổng. Đồng thời, nhấn mạnh lý do khác biệt so với các ứng viên khác. Nếu có thể, hãy đưa thêm vài ghi chú cho thấy người giới thiệu (bạn) đã sẵn sàng trao đổi và cung cấp thông tin bổ sung để làm chứng cho học sinh, sinh viên của mình.
Ví dụ: “Vui lòng liên hệ với tôi qua số điện thoại/ địa chỉ email… nếu quý vị muốn thảo luận thêm về các kỹ năng và kinh nghiệm của [Tên bạn]. Tôi rất vui lòng để trả lời thêm những câu hỏi khác trong lời giới thiệu của mình”.
Dưới đây là một số lời khuyên để phần kết thư thật cô đọng, ấn tượng:
- Giữ phần kết thư thật ngắn gọn (chỉ trong khoảng 4-5 dòng).
- Để lại một số thông tin liên lạc như: địa chỉ email, số điện thoại để trường có thể liên hệ nếu có thêm câu hỏi.
Những lưu ý khi viết thư giới thiệu xin học bổng
Khi viết thư giới thiệu LOR, người viết cần cung cấp các ví dụ cụ thể nhằm minh họa cho điểm mạnh của ứng viên. Đồng thời đảm bảo cho bức thư có cấu trúc rõ ràng, ngôn từ mạch lạc, chân thành. Ngoài ra, người viết cũng cần phải lưu ý một số điểm để bức thư chỉn chu hơn:
Mô tả ngắn về mối quan hệ với ứng viên
Mối quan hệ với ứng viên là yếu tố quan trọng mà người viết thư cần làm rõ khi viết thư giới thiệu xin học bổng. Dựa trên các mối quan hệ này, hội đồng tuyển sinh sẽ có cái nhìn chính xác hơn về sự phù hợp và xứng đáng của ứng viên đối với học bổng. Mối quan hệ có thể là giữa quản lý với nhân viên, người hướng dẫn với người được hướng dẫn, giáo viên với học sinh,...
Tập trung vào sự hợp tác với nhau
Sự hợp tác trực tiếp giữa người viết thư và bạn thường có ảnh hưởng tích cực đối với hội đồng tuyển sinh, vì nó chứng tỏ mức độ tương tác thực tế giữa hai bên. Từ đó, cho thấy người viết thư hiểu biết rõ ràng về bạn hơn so với những người chỉ biết bạn qua người khác hoặc làm việc từ xa.
Thể hiện sự phù hợp với tiêu chí học bổng
Để tạo ấn tượng mạnh mẽ, thư giới thiệu cần phải đánh giá rõ ràng khả năng, sự phù hợp của ứng viên với khóa học, học bổng. Vì vậy, người viết thư nên tập trung vào việc làm nổi bật sự liên quan của bạn thay vì chỉ khen ngợi chung chung.
Chẳng hạn, người viết có thể đề cập đến những kỹ năng nổi bật liên quan đến lĩnh vực của người được giới thiệu muốn theo học hoặc thông tin về xếp hạng của họ, như đứng trong top 3 hoặc top 1% ở trong lớp, trường.
Tránh nhắc về điểm số
Chỉ trừ khi có yêu cầu đặc biệt, còn thông thường thư giới thiệu nên tránh đề cập quá nhiều đến điểm số từ các bài thi hay dự án cá nhân của học sinh. Bởi lẽ, các thông tin này đã được nêu rõ trong bảng điểm, hồ sơ du học. Việc nhắc đến điểm số sẽ khiến thư trở nên dài dòng, không đi sâu vào trọng tâm.
Thư giới thiệu xin học bổng quyết định rất lớn đến tỷ lệ thành công trong việc xin học bổng, do đó khi viết thư cần đảm bảo đầy đủ thông tin và tính xác thực của nội dung. Hy vọng rằng, những thông tin mà Tư vấn du học Tiimedu vừa cung cấp, đã giúp bạn nắm vững cách viết thư giới thiệu xin học bổng mới nhất trong năm 2024 và 2025. Hãy đầu tư thời gian, công sức vào việc chuẩn bị thư giới thiệu xin học bổng chất lượng để nắm bắt cơ hội học bổng, mở ra một tương lai mới, bạn nhé!